Viết về chữ nghĩa trong nghĩa trang gia tộc
Ngày cập nhật: 30/5/2022

Ban Quản trị trang xin trân trọng giới thiệu chuỗi bài viết về chữ nghĩa trong nghĩa trang gia tộc của tác giả Lê Đức Hoàng. Bài viết đã được đăng trên trang Fb của Lê gia và được chia thành 3 phần. Nay Ban Quản trị xin tổng hợp thành bài viết hoàn chỉnh trên trang web này để bà con đọc và lưu trữ.

Còn một tuần nữa là đến ngày kỵ của Ba, của Ông. Ngày kỵ năm nay, con cháu sẽ báo công với Ông Bà, Ba Mẹ việc hoàn thành xây dựng nghĩa trang gia tộc như đã từng phát tâm, phát nguyện trong thời gian qua.

Nghĩa trang gia tộc có quy mô lớn, được đầu tư bài bản và theo hướng xây dựng một công viên nghĩa trang vì vậy có mức đầu tư lớn. Việc đóng góp xây dựng nghĩa trang gia tộc vẫn đang được tiếp tục và được đến từ nhiều nguồn, từ  quỹ Lê Gia, từ F1, và vui hơn nữa, mừng hơn nữa là những việc lớn của gia tộc như thế này, thế hệ F2 của gia tộc đã thực sự bắt đầu chung tay như đã hứa trong lễ tất niên gia tộc vào cuối năm ngoái. Trong Phật giáo gọi là phước báo !

Với niềm vui, cảm giác hạnh phúc và biết ơn vì sự quan tâm, chia sẻ, chung tay của mọi người, nhân việc xây dựng và hoàn thành nghĩa trang gia tộc, tôi viết bài này để tri ân anh chị em, con cháu, nội ngoại vì sự yêu thương, đã và đang quan tâm đến công trình dưới nhiều hình thức. Ai đó đã nói rằng cho đi cũng là một loại hạnh phúc. Bởi khi cho đi, chính là lúc ta gieo mầm hạnh phúc cho tâm hồn mình !

Nghĩa là một trong những cái đức lớn của con người trong ngũ thường chi đạo. Người có nghĩa là người đặt suy nghĩ của mình vào việc chung trước việc riêng, hành động vì đạo,vì nghĩa chứ không vì lợi. Nghĩa là sống cho mọi người chứ không chỉ sống cho riêng mình. Chúng tôi, những thế hệ khác nhau của gia tộc may mắn đã làm được điều đó qua công trình này !

Nghĩa trang gia tộc là môt trong những biểu tượng có sức lay động và thuyết phục về đạo đức và nhân nghĩa, có giá trị nhân văn lớn lao. Nghĩa trang gia tộc hội tụ nghĩa phụ tử, mẫu tử, nghĩa vợ chồng, nghĩa anh em, nghĩa con cháu. Sống và biết lo cho gia tộc, gia đình, anh em, con cháu là nghĩa. Biết trả ơn khi mình đã nhận được những điều may mắn trong cuộc sống cũng là nghĩa. Những đóng góp dù ít, dù nhiều để tri ân với gia đình, gia tộc, với đời sống cũng là nghĩa. 100 năm cũng sẽ chỉ là giới hạn. Nghĩa mới là vô hạn ! Làm việc nghĩa cần vượt qua giới hạn nội tâm của mình.

Nghĩa trang gia tộc được xây dựng không phải chỉ cho người chết mà còn cho cả người sống. Người chết sẽ thanh thản và an lòng khi biết rằng mình sẽ có một nơi an nghỉ ấm cúng, khang trang, sum vầy. Người sống cũng vì vậy mà sẽ bớt đau lòng vì sự ra đi của người thân. Chính vì điều đó, chúng tôi đã cố gắng xây dựng nghĩa trang gia tộc theo hướng hình thành một công viên nghĩa trang.

Hôm nay, tượng Bồ tát Địa tạng đã được an vị trong khuôn viên của nghĩa trang. Thuyết Phật nói ai nhìn thấy và cầu nguyện trước Ngài sẽ bớt sầu muộn. Viên ngọc minh châu trong tay của Ngài sẽ là nguồn sáng dẫn lối, xuyên qua màn tối thoát khỏi những khổ đau. Chúng tôi trao đổi với nhau và mong muốn tượng cần có khuôn mặt nhân từ, chọn tượng cũng cần phát tâm và anh trai cùng với chị dâu tôi đã phải vượt quãng đường xa, vào tận Đà Nẵng để đặt tượng. Đạo đức cốt lõi và tính nhân văn của công trình là ở chỗ đó. Nghĩa tình cũng là ở đó !

Cái tâm, cái nghĩa của con người, cùng với thần thái và vẻ mặt nhân từ của tượng Bồ tát Địa tạng được đặt trong một cấu trúc khuôn viên khoáng đạt của nghĩa trang với một nền trời xanh thẳm phía sau đã tôn vinh rất nhiều giá trị của công trình. Đẹp đến nao lòng !

Trước đây khi chưa có nghĩa trang gia tộc, gặp những lúc trái gió trở trời, cơ thể bất an, hoặc đôi khi xuất hiện những triệu chứng tưởng chừng của ác bệnh, tôi chỉ đau đáu nghĩ về một nơi yên nghỉ đàng hoàng và bình yên để đừng làm cho người thân quá đau lòng, nơi đó sau bao nhiêu năm vất vả kiếm sống, phải xa nhau vì tìm kiếm mưu sinh, chúng tôi cuối cùng sẽ lại được về bên nhau, lại đoàn tụ, lại sum vầy để cũng nhau cầu nguyện cho con cháu. Suy nghĩ đó làm tôi ấm lòng. Trong một lần đến thăm nghĩa trang gia tộc trong thời gian xây dựng, chị dâu tôi viết “ Gia đình chúng ta sẽ có một nơi ở mới khi kết thúc một đời người. Bằng sự yêu thương cùng nhau góp sức để có nơi ở chung ấm áp của gia tộc là niềm vui chung, hạnh phúc cho tất cả”.    

Cùng với chữ Phúc được đắp ở bình phong, trên hai trụ cổng của nghĩa trang gia tộc sắp được hoàn thành sẽ là hai hàng chữ chạy dọc khắc vào hai phiến đá:  "Tôn chữ Nghĩa nghìn thu bảo trọng.  Quý chữ Tình vạn kiếp lưu tâm ! ". Chúng tôi muốn tạc vào đá, tôn vinh, nâng niu,gìn giữ và lưu truyền giá trị tình nghĩa này không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ tiếp theo của gia tộc. 

Thực sự khi nhìn thấy công trình nghĩa trang gia tộc hoàn thành, suy nghĩ về cái chết trong tôi  bây giờ trở thành nhẹ tênh. Ý nghĩ này sẽ giúp chúng tôi sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn, dành nhiều thời gian và cơ duyên hơn để tri ân và trả ơn, để tiếp tục hoàn thành những việc nghĩa tình khác của gia tộc. Anh trai tôi viết rất đúng rằng dẫu có trĩu nặng thì vẫn sẽ là thanh thoát !

Một khi ý nghĩ về cái chết và sự sống không còn là điều gì đó quá phải bận tâm, chúng tôi đang dần đạt tới trạng thái mà đời sống của con người vẫn thường nói: An nhiên !

Để kết thúc bài viết, tôi muốn mượn lời một câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh: "We inter are" (chúng ta là nhau) ! Một cấu trúc lạ về mặt ngữ pháp nhưng uyên bác về mặt ý nghĩa. Vạn vật trong vũ trụ này đều là như thế. Nghĩa trang của gia tộc hình thành chính vì thế cũng mang lại cho chúng tôi những bài học về sự cho đi, về lòng thành, về tâm nguyện, về tin tưởng và sự sẻ chia.

Đặt niềm tin vào điều gì với lòng thành tuyệt đối, vũ trụ sẽ mang điều đó tới cho ta ! Và một khi đã quyết tâm làm một điều gì đó cho gia đình, gia tộc thì hãy làm điều đó bằng cả trái tim !

Một lần nữa xin được tri ân tất cả mọi người !

Lê Đức Hoàng